loạn thần

“Psycho không phải một bộ phim giật gân khuấy đảo người xem hay là một màn trình diễn nghệ thuật tuyệt vời. Mọi người bị Psycho mê hoặc bởi chính sự thuần khiết của nó.”

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Đó là những gì Alfred Hitchcock đã nói với Francois Truffaut về kiệt tác của mình, “nó thuộc về chúng ta, là của riêng chúng ta, những người làm phim”.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Ý định ban đầu của Hitchcock khi thực hiện Psycho chỉ dừng lại ở một bộ phim thương mại kinh phí thấp. Ông không làm việc cùng đội ngũ chuyên nghiệp quen thuộc (cùng ông hoàn thành North by Northwest), thay vào đó ông hợp tác cùng đội ngũ quay những chương trình truyền hình. Bộ phim cũng không có màu mà chỉ sản xuất dưới dạng trắng đen, với kinh phí vỏn vẹn 800.000 đô la, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn kinh phí làm phim của những năm 1960. Khung cảnh nhà trọ Bates Motel và các tòa nhà hoàn toàn được dựng lại ở phía sau trường quay của hãng phim Universal chứ không quay ở địa điểm thật. Có lẽ chính vì thế mà cảm giác Psycho mang lại giống với kiểu phim noir “mì ăn liền” như Detour hơn là những tác phẩm kinh dị nổi tiếng khác được Hitchcock chăm chút nhiều hơn như Rear Window và Vertigo.

Hình ảnh có liên quan

Nhưng không nằm ngoài dự đoán, phim của Hitchcock dù thế nào chăng nữa vẫn có được sức ảnh hưởng vô cùng to lớn. “Tôi đã chỉ đạo không chỉ diễn viên mà cả người xem”, Hitchcock nói. “Đó là phần không thể thiếu được khi tôi làm bộ phim. Tôi thao túng cảm xúc của tất cả mọi người.” Psycho là bộ phim gây sốc nhất mà người ta từng xem vào thời điểm đó. “Do not reveal the surprises!”, và thật vậy, không một ai có thể lường trước những bất ngờ mà Hitchcock đã âm thầm dàn dựng, chẳng hạn như cái chết của nữ chính duy nhất Marion (Janet Leigh) khi bộ phim còn chưa hết một phần ba, hay bí mật về người mẹ của tên sát nhân Norman (Anthony Perkins). Psycho được quảng cáo là một bộ phim kinh dị ăn khách không khác gì phim của William Castle. “Điều quan trọng là người ta phải xem Psycho từ đầu chí cuối!”, Hitchcock chia sẻ, “nếu đến trễ và bỏ qua phần đầu bộ phim, họ sẽ thắc mắc không hiểu cô nhân vật chính đã biến mất đi đâu, và hẳn rồi, họ sẽ đợi cô ấy xuất hiện trở lại, trong vô vọng.”
Ngày nay, những tình tiết kiểu như thế có lẽ đã không còn xa lạ nữa, nhưng Psycho vẫn giữ được sức hấp dẫn rùng rợn chưa bao giờ bị đánh bại. Người ta lý giải rằng đó là bởi vì những sắp đặt tinh tế của Hitchcock trong cuộc trốn chạy của Marion và mối quan hệ Marion – Norman. Không có gì là dễ đoán. Cả hai nút thắt này đều được phát huy hiệu quả khi chính Hitchcock đã dồn toàn bộ sự tập trung cũng như kỹ năng của mình để “mở nút”, từ đó hoàn thiện câu chuyện một cách thống nhất, và không chừa ra một lỗ hổng logic nào.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Bộ phim đã bắt đầu với kịch bản quen thuộc mà Hitchcock vốn ưa thích: Một người bình thường trong hành trình trốn chạy khỏi tội lỗi của mình bị mắc kẹt trong cái bẫy của một tên tội phạm khác. Chính Marion Crane đã ăn cắp số tiền 40 triệu đô, nhưng với Hitchcock đây vẫn là một nhân vật vô tội. Ở cảnh mở đầu, ta thấy Marion chỉ là một cô gái bình thường đang nghỉ trưa với người tình Sam (John Gavin) trong khách sạn. Rắc rối nảy sinh giữa hai người khi họ cần tiền để làm đám cưới, và tình cờ khách hàng của Marion xuất hiện với 40 triệu đô. Gã ta nói bóng gió, như thể kích động ý định không tốt của Marion với món tiền. Từ điểm này, ta kết luận, Marion không hề có kế hoạch chuẩn bị từ trước để đánh cắp số tiền mà chỉ vô tình bị xúi giục bởi một kẻ kì quặc. Động cơ của cô chỉ đơn giản là tình yêu.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Như ta thấy, đó là cái cớ hoàn hảo cho bộ phim dài 2 tiếng. Người ta bị cuốn vào câu chuyện mà không hề có chút đề phòng. Không ai nghĩ rằng họ sẽ bị Hitchcock lừa ngay sau đó. Marion cầm số tiền 40 triệu đô vội vã trốn khỏi Phoenix về quê nhà của Sam ở Fairvale, California. Một cảnh sát tuần tra trên đường cao tốc đã đánh thức Marion khi cô chợp mắt bên vệ đường. Để ý thấy, ở đây ta lại bắt gặp một dấu ấn rất riêng của Hitchcock: một sự ám ảnh với những gã cảnh sát. Anh ta liên tục tra hỏi cô, theo dõi cô, và gần như một lúc nào đó qua sự hồi hộp, căng thẳng của Marion, ta cảm thấy số tiền ăn cắp đựng trong phong bì gần như đã bị phát giác. Sự tài tình của đạo diễn là ở chỗ ông khiến người xem tin rằng đây là câu chuyện về tội lỗi của Marion, và tất cả đều “an tâm” chờ đợi được thấy cảnh cô bị vạch trần.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Sợ hãi, mệt mỏi, và có lẽ là ân hận vì hành động của mình, Marion chần chừ khi đã gần đến Fairvale. Cô mắc phải một cơn bão lớn và buộc phải dừng lại trú trong một nhà trọ ven đường. Có thể nói, chỉ đến khi Marion có cuộc gặp gỡ định mệnh với chủ nhà trọ Norman, câu chuyện về “kẻ tâm thần” mới chính thức được bắt đầu. Hitchcock xây dựng hàng loạt các đoạn đối thoại dài giữa Marion và Norman để đánh lạc hướng người xem rằng đây sẽ là hai nhân vật chính và mối quan hệ của họ sẽ là sợi dây xuyên suốt cả bộ phim. Điều này thể hiện qua cách mà ông cho xuất hiện hình ảnh xác của những con chim bị xẻ thịt và nhồi bông đầy man rợ treo trong phòng làm việc của Norman như thể chúng sẵn sàng lao xuống bắt lấy con mồi là Marion, trong suốt cuộc trò chuyện của hai nhân vật. Marion nghe thấy mẹ Norman lớn tiếng la mắng hắn, cô nhẹ nhàng khuyên Norman không nên chôn vùi cuộc đời mình ở một nhà trọ ế ẩm giữa vùng đất vắng người. Quả thật Marion có quan tâm đến Norman. Sự chân thành của hắn thậm chí còn khiến cô phải tự vấn lương tâm về tội lỗi cô đã gây ra. Norman cảm động vì điều đó. Vô cùng cảm động. Và chính vì cảm động, hắn thấy bị đe dọa. Hắn sợ khi bản thân có những cảm xúc này. Rồi như thế, để bảo vệ mình, hắn quyết định phải giết Marion.

Hình ảnh có liên quan

Hitchcock cho rằng hầu hết mọi người lý giải cảnh Norman nhìn trộm Marion tắm chỉ là hành vi thị dâm của một tên biến thái. Truffaut cũng khẳng định đó là suy nghĩ hiển nhiên khi Marion xuất hiện trong khung hình chỉ với quần áo lót. Không ai hay biết một tội ác đang sắp sửa bắt đầu.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Có rất nhiều điều đáng nói về cảnh giết người trong nhà tắm. Khác với các bộ phim kinh dị hiện đại, Psycho không hề có sự xuất hiện của hung khí – những con dao sắc nhọn, hay những vết thương. Không có máu. Ngược lại, có rất nhiều máu. Lý do đạo diễn chọn sản xuất Psycho dưới dạng đen trắng, ngoài vấn đề chi phí, là bởi ông e ngại khán giả sẽ không chịu nổi cảnh máu me nếu bộ phim có màu (về sau bản remake của Gus Van Sant năm 1998 không còn sợ vấn đề này nữa). Tiếng dao đâm liên tiếp kết hợp cùng tiếng nhạc nền chói tai của Bernard Herrmann tạo hiệu ứng căng thẳng đẩy cảm xúc người xem lên cao trào hoảng loạn dữ dội. Cảnh phim kết thúc khi máy quay quay cận cảnh máu và nước hòa lẫn vào nhau chảy ra khỏi lỗ thoát dưới bồn tắm đồng thời phóng to tròng mắt mở toang của Marion. Đây không đơn thuần chỉ là cách xử lý hình ảnh tuyệt vời mà còn là một biểu tượng kinh điển, nó cho thấy cú đâm hiệu quả nhất trong lịch sử điện ảnh, vượt ra khỏi khuôn khổ những chi tiết đồ họa và khẳng định tính nghệ thuật trong kỹ thuật dựng phim tài tình.

Hình ảnh có liên quan

Có lẽ Norman là nhân vật đa nhân cách phức tạp nhất trong sự nghiệp của Perkins, và không thể phủ nhận, đây chính là vai diễn để đời của ông. Cách Perkins nhập vai cho ta cảm giác có một sự mâu thuẫn và mờ ám trong tính cách của Norman – một chàng trai trẻ thoạt nhìn rất có cảm tình, lịch lãm, điển trai, thường đút tay vào túi quần jeans và nhiệt thành trong lối ứng xử. Ban đầu, Norman hiện lên như một kẻ tội nghiệp, khơi gợi lòng cảm thông của Marion và khán giả. Chỉ có những cuộc hội thoại với Marion mới đủ khả năng hé mở về sự mâu thuẫn không dễ để nhận biết này, đó là lúc hắn ta bắt đầu lắp bắp và lảng tránh.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Quá trình phi tang tội ác dường như đã được Norman tính toán tỉ mỉ chỉ sau khi hắn đã giết Marion. Hitchcock đã tráo đổi vị trí của nhân vật một cách bí ẩn. Rõ ràng, nhân vật chính Marion đã chết, nhưng bây giờ cái khiến ta quan tâm nhiều hơn lại là Norman, ta bị đẩy vào tình cảnh cần phải xác nhận một điều gì đó, rằng tại sao Norman lại giết Marion, đó không đơn giản là hành động cầm dao đâm vào một người bình thường, và ta chia sẻ chung một thứ cảm giác sợ hãi, tội lỗi với kẻ sát nhân như thể chính ta tồn tại trong cảnh trí đó. Cái chết của Marion kết thúc bằng cảnh Norman đẩy chiếc xe có chứa thi thể nạn nhân xuống một đầm lầy. Chiếc xe từ từ chìm xuống, còn kẻ giết người chăm chú dõi theo, cho đến khi không dấu vết gì còn sót lại.

Kết quả hình ảnh cho psycho 1960

Phân tích diễn biến tâm lý của người xem, ta thấy rằng, tất cả đều có cảm giác hệt như Norman, mong muốn cho chiếc xe chìm thật nhanh xuống đáy. Trước khi người tình của Marion – Sam – cùng với chị gái của cô – Lila (Vera Miles) – lên đường tìm kiếm sự thật vì tin rằng cô mất tích, bộ phim đã bị bẻ ngoặt theo một hướng không thể ngờ tới, và bây giờ nhân vật phản diện lại là Norman Bates. Đây được xem là sự đánh tráo nhân vật táo bạo nhất của Hitchcock trong quá trình dẫn dắt cảm xúc người xem. Phần còn lại của bộ phim, đạo diễn dành để đào sâu vào góc khuất tâm lý của nhân vật, với hai tình tiết gây sốc. Thứ nhất, tay thám tử Arbogast (Martin Balsam) cũng bị giết hại khi bước lên cầu thang trong chuyến điều tra về sự mất tích của Marion. Góc quay đặt trên cao tạo cảm giác ta đang theo Arbogast lên cầu thang, và không hề hay biết kẻ giết người sẽ nhảy ra ngay sau đó. Và thứ hai, là khi bí mật về người mẹ của Norman được tiết lộ.

Hình ảnh có liên quan

Kể cả những người xem chăm chú nhất cũng không lường được điều bất ngờ lớn nhất vẫn còn chờ họ ở đoạn kết. Điều này đã giải thích vì sao Hitchcock hủy bỏ đoạn kết ban đầu để thay vào đó bằng một chuỗi những sự việc khó hiểu. Sau khi hung thủ bị bắt và các vụ giết người đã được giải quyết, bộ phim tiến đến một cảnh rất kì lạ mà trong đó một bác sĩ tâm thần (Simon Oakland) giải thích cho những người chứng kiến về hành vi của Norman. Hắn không phải là một kẻ sát nhân thông thường mà là một kẻ sát nhân mắc chứng đa nhân cách, vừa đóng vai bản thân và đóng cả vai người mẹ – một cách lý giải thông minh sắp xếp hợp lý toàn bộ những gì đã xảy ra. Cuối cùng người ta mới có thể thở phào, vì chỉ khi đến hồi kết, sự căng thẳng của bộ phim mới được giảm xuống. Và tất cả đều đã sáng tỏ.

Hình ảnh có liên quan

Tuy vậy, nếu đủ bản lĩnh để chỉnh sửa lại phim của Hitchcock, có lẽ tôi chỉ dừng lại ở lời giải thích đầu tiên của bác sĩ về chứng đa nhân cách này: “Norman Bates không tồn tại nữa. Hắn vốn chỉ có một nửa linh hồn. Bây giờ, một nửa đó cũng đã bị giết chết, mãi mãi” Sau đó, tôi sẽ cắt bỏ mọi phân cảnh khác của bác sĩ, kể cả lúc Norman trùm kín chăn lắng nghe giọng nói của mẹ hắn: “Thật đau đớn cho một người mẹ khi phải lên tiếng tố cáo tội ác của con trai mình” Tôi chưa từng thấy ai đủ lý lẽ để bảo vệ những lời ba hoa đó của tên bác sĩ, không ai kiểm chứng được. Một Psycho được chỉnh sửa lại như thế sẽ tiến gần hơn đến mức hoàn hảo. Với tôi, đây là tình tiết nhỏ, nhưng khá đáng tiếc. Thậm chí Truffaut trong bài phỏng vấn với Hitchcock cũng từng phải tránh không nhắc đến đoạn này.

Điều duy nhất khiến sức hấp dẫn của Psycho sống mãi trong nền điện ảnh thế giới trong khi những bộ phim cùng thời đều đã bị lãng quên, chính là ở chỗ nó liên hệ trực tiếp với nỗi sợ hãi của chúng ta – những người xem – bên ngoài màn ảnh. Đó là nỗi sợ hãi khi làm điều xấu, khi đối diện với sự chất vấn của cảnh sát, khi trở thành nạn nhân của một kẻ điên loạn. Và hơn thế, là nỗi sợ hãi khi ta khiến người mẹ phải thất vọng về mình.

Trên tất cả, Psycho mãi mãi là bộ phim xuất sắc nhất, xứng đáng là tượng đài của dòng phim kinh dị.

 

Psycho | 1960 |  Alfred Hitchcock | imdb 8.5 |

12.1998

Roger Ebert

(lược dịch 210618)

Gửi bình luận