Dạ khúc của một dòng sông

1.

Bố mẹ tôi chia tay vào một ngày tháng Năm.

Đó là một cái kết vẻ như quá hoàn hảo cho một tổ ấm nứt đôi không thể hàn gắn được. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng hầu như chẳng có ai thèm quan tâm đến mớ cốt lõi phức tạp đó. Bố lạnh nhạt ký vào tờ đơn li dị, mẹ bình thản đến dự những phiên tòa. Không hề có tôi trong số những điều cần cân nhắc trước khi quyết định đập vỡ gia đình, họ tự mình vẽ ra hai nửa đường và một lằn ranh cách biệt.

Tôi không buồn. Nói đúng hơn là không buồn nổi nữa. Như thể có một cốc nước ở bên trong tôi và nó đã đầy, tràn cả ra ngoài, tràn ướt lòng bàn tay tôi, một cách vô hình. Và tôi không cầm nắm được. Không ai cầm nắm nỗi buồn được.

Nhưng nó vẫn ở đó.

Không làm sao mà tôi cắt nghĩa được nỗi buồn của mình. Tôi nghĩ nó giống như tiếng dương cầm của An. Đó là thứ âm thanh bình thản dẫu bị đóng kín trong căn phòng không ánh sáng. Như dòng sông. Xuyên thủng khoảng không tĩnh mịch và tràn qua những kẽ tay dài thanh mảnh thoăn thoắt lướt êm trên những phím đàn.

Tôi đã gặp An vào một chiều mùa hạ.

2.

An mang vẻ đẹp của một cô gái phương Tây thời trung đại, với mái tóc đen dày dài ngang lưng và khuôn mặt nhỏ thanh tú. Khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật, cô là gương mặt tiêu biểu đại diện cho trường tôi dự thi những giải âm nhạc lớn và còn hơn thế, người ta nghĩ đến cô như là một thiên tài. Với một chút hiểu biết về âm nhạc cổ điển, tôi thấy An thường chơi những bản nhạc mang sức mạnh trữ tình nội tại dữ dội, như ẩn chứa bên trong tất cả những bí mật thầm kín giấu trong một ngăn kéo bị bỏ quên. Mỗi buổi chiều tôi trốn ra sau vườn trường nằm vắt vẻo trên cây bạch đàn nghe Chopin, Tchaikovsky, Schubert, Brahms vọng ra từ cửa sổ phòng nhạc tầng hai với một khoảnh lòng rỗng toác chờ đợi để được lấp đầy. Nếu có thể nói điều gì đó về âm nhạc của An, tôi cho rằng nó không sầu thảm. Chí ít là với tôi. Cố nhiên, dòng sông thì chẳng bao giờ ngừng chảy. Nó chỉ bình tĩnh buồn.

Và tôi đã nghĩ An sẽ chẳng bao giờ biết.

Cho đến một ngày tôi thấy cô ngồi khóc. Dưới gốc cây.

Tôi không còn nhớ điều gì đã dẫn đến ngày hôm ấy. Mọi sự cứ diễn ra theo cách của nó, đột ngột và ào ạt, tưởng chừng như không cách nào ngăn chặn được. Như sông. An ở đó, giữa lòng trống rỗng. Tôi cảm giác cô co rút lại thành một chấm nhỏ khi thoát khỏi vòng xoáy âm nhạc của mình. Điều đó thật lạ lùng. Giống như kiểu một ngày chúng ta nhận ra những gì chúng ta thấy chẳng hề là chính nó. Hoặc chúng ta chẳng hiểu gì, về tất cả. Thời gian chảy cuồn cuộn, xuyên qua lòng bàn tay tôi, mơ hồ mà bỏng rát. Tôi không đếm, nhưng đến đoạn kết bản Étude Op. 25, No. 11 của Chopin mà tôi đang nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, thì An đứng dậy. Cô nhìn thấy tôi. Tôi không giỏi lý giải mọi thứ quanh mình, kể cả đôi mắt của An lúc ấy, và của mãi sau này cũng vậy. Chúng tôi chỉ là những kẻ xa lạ không trùng lặp trong vô vàn thế giới thăng giáng chưa từng tồn tại vết cắt. Tôi không lý giải được. An đã nắm tay tôi. Thật lâu. Tôi không đếm. Cũng không phản kháng. Bàn tay An lạnh cóng. Tôi tưởng tượng đến một cái ván tàu bị đánh chìm nằm vùi sâu dưới lớp băng dày tận cùng Bắc Cực. Tớ khóc được không. Rồi An nói. Không hiểu là với tôi, hay với chính mình. Bàn tay chúng tôi vẫn siết trong nhau. Tôi không đáp. Tôi không thể đáp. Tôi chơi nốt khúc nhạc của Chopin bằng suy nghĩ kì lạ. Nước mắt An rớt vào câm lặng. Ướt cả cơn mơ nào tôi đã bỏ quên khi vừa tỉnh giấc. Nhiều năm sau đó, khi nghĩ lại tôi mới hiểu có lẽ đó là một nỗi đau đớn không ai có thể chối bỏ.

Một nỗi đau đớn rất đỗi dịu dàng.

3.

Tôi đã không hỏi gì An cả. Có quá nhiều điều người ta chưa tường tỏ. Và quá nhiều điều có tường tỏ cũng chẳng để làm gì. Đột ngột như cơn cuồng nộ xảy đến vào lúc nửa đêm không một tín hiệu, không còn buổi chiều nào có Chopin hay Tchaikovsky. Tương tự với Brahms và Schubert. Như một lịch trình định sẵn, An luôn đến lúc chạng vạng tối, ngồi hàng giờ bên gốc cây, nhìn lên cửa sổ tầng hai. Không nói gì. Cũng không khóc. Chỉ lặng lẽ nắm tay tôi với tất cả sự đóng băng của một ý niệm nào đã mất. Sự thâm trầm kỳ lạ lặp đi lặp lại cho đến khi không còn kỳ lạ nữa. Chúng tôi bỏ quên thực tại phi lý chỉ bằng những cái nắm tay không lời.

Cậu có nghe thấy tiếng đàn không, K? Rồi một lần, An hỏi. Tiếng đàn ở bên trong cậu, ngân lên vì cậu? Tôi lắc đầu, không hẳn. Tôi chỉ biết có mỗi bản Étude của Chopin cũ kỹ. Nhưng có lẽ nó không phải là tiếng đàn của tôi, hay vì tôi. Còn cậu thì sao, An? Tớ không còn tiếng đàn nào cả. Cô nắm lấy tay tôi, nhìn vào tôi với một sự trống rỗng bình thản. Người ta có thể có một cái tai đã chết mà, phải không. Tai cậu đã chết ư, tôi hỏi. An chậm rãi gật đầu. Vì tai của tớ đã chết, nên tiếng đàn cũng chết, theo mọi cách. Cậu biết đấy, vòng xoáy bị cắt đứt ở đoạn giữa và thế là bùm tất cả mọi thứ đổ sụp xuống trong im lặng. Cậu biết là có thứ gì đó đã vỡ. Nhưng cậu không kiểm chứng được. Cậu hoài nghi chính bản thân. Tay cậu khô cứng và co quắp. Cậu nghĩ cây đàn bị điên. Cây đàn mất đi giọng nói. Cậu hoảng loạn đập phá nó, dẫm nát nó. Nhưng vẫn chẳng có âm thanh nào cả. Không phải lỗi của cây đàn. Không phải lỗi của thế giới. Mà là lỗi của cái tai đã chết. Chỉ vì tai của tớ đã chết mà thôi.

Tôi không ngạc nhiên về cảm giác khi một cái tai bị chết. Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng đã có cái tai bị chết như thế, nhiều lần. Nhiều năm trời tôi đã sống trong một nơi không có âm thanh nào trừ tiếng vô tuyến phát một đoạn tin vắn nhàm chán, tiếng khua ly tách khi mẹ uống nước lẫn vào tiếng sập cửa khi bố rời đi. Đó không còn là một ngôi nhà nữa kể từ khi tôi phát hiện mình nghe được âm thanh lạnh lẽo của một sự xa lạ đáng sợ. Những cái tai luôn luôn chết, bằng cách này hay cách khác. Nhưng có phải là lỗi của chúng ta không?

An không quá cố gắng để đào sâu vào câu trả lời. Mọi thứ ở cô đều mang vẻ điềm nhiên kì quái. Cuộc thi dương cầm cho nghệ sĩ trẻ toàn cầu Steinway Youth Piano sẽ đến trong hai mươi tám ngày nữa, và giờ thì cô ở đây, không thể nghe được tiếng đàn chảy dưới những ngón tay mình. Chỉ không nghe được tiếng đàn của mình, còn lại tớ chẳng gặp vấn đề gì về thính giác cả, An nhún vai. Như một nghịch lý? Không, nghịch lý luôn diễn biến hợp lý một cách dễ hiểu, chỉ vì chúng ta đã bỏ qua quá nhiều dấu hiệu, K. Một cơn mưa rớt xuống, đổ lên đầu cả hai chúng tôi đầy những hoài nghi bất lực. Cơn mưa nhiều bụi trắng. Nhấn chìm chúng tôi xuống hết bờ vực không âm thanh này đến bờ vực không âm thanh khác. Mười bảy tuổi, chúng tôi đứng dưới nhiều cơn mưa, để rồi ướt hết cả. Duy chỉ có những ngón chân co quắp giấu trong những đôi giày là không hiểu sao vẫn còn khô cong.

Này K, rồi An gọi tên tôi, giọng cô gần như vỡ toác.

Tớ ghét chơi đàn.

4.

An quyết định bỏ tập đàn trên phòng nhạc tầng hai. Cô bật đĩa nhạc có sẵn để thay thế. Một cách đánh lạc hướng sự dòm ngó của người hướng dẫn, giám sát viên, bạn học, và tất cả. Xung quanh cậu bao giờ cũng có nhiều người như thế? Ừ, và họ phiền phức, đôi khi. Bị cầm tù bởi chính ánh hào quang của mình cũng chẳng phải là một điều gì dễ chịu. Nhưng họ chỉ muốn tốt cho cậu? Không, họ nghĩ là họ muốn tốt cho tớ. Sự thật thì không phải thế? Ừ, sự thật thì không phải thế. Tớ chỉ là một cái bóng, K. An cười. Tôi nghĩ mình hiểu ý nghĩa của một cái bóng. Nhưng tại sao lại là một cái bóng, và cái bóng của ai. Bố tớ là nghệ sĩ dương cầm, An tiếp tục, khẽ khàng bước ra khỏi tấm màng chắn đã giấu cô đi suốt bấy lâu nay. Ông say mê Chopin, Nocturne Op.62 no. 1 in B major, cậu biết chứ. Tớ biết, tôi đáp, cậu đã chơi bản đấy cả mùa hè. Nó rất tuyệt, đúng không, nếu bố tớ còn ở đây, tớ đoán là ông cũng sẽ chơi nó thêm nhiều mùa hè nữa. Bố cậu không còn ở đây? Ông mất rồi, K. Tôi im lặng. Với tớ thì bố vẫn vĩ đại, dù ông chưa kịp chơi xong Nocturne vào thời khắc cuối cùng của mình. Ông mất trên sân khấu. Ngày hôm đó trời mưa to.

Tôi nghĩ nhiều về An từ những đoạn hội thoại vụn vặt không mở đầu không kết thúc. Tôi biết chúng tôi có nhiều nỗi buồn, nhưng chắc chắn, tôi không thể hiểu được tường tận nỗi buồn của An, và ngược lại. Tuy vậy, người ta không cần phải hiểu. Sự im lặng đồng cảm và một cái nắm tay đã quá đủ rồi. Chúng ta sống như những dòng sông, An vạch những đường thẳng dài trong lòng bàn tay tôi, chảy hết cuộc đời này sẽ chảy đến cuộc đời khác. Chúng ta sống, soi mình vào số phận của cha mẹ, những người thuộc về phần đời trước hiện tại, rồi sau đó mới nhìn thấy chính mình. Dòng sông chảy tịnh tiến, An. Không, K, nó tuần hoàn. Con cái là bản sao của cha mẹ, là phần nối dài của cuộc đời mà cha mẹ đã từng sống. Bố muốn tớ hoàn thành bản nhạc đó. Mẹ muốn tớ hoàn thành bản nhạc đó. Tất cả mọi người muốn tớ hoàn thành bản nhạc đó. Kể cả ánh hào quang cũng muốn tớ hoàn thành bản nhạc đó. Tớ tin là bản thân cũng muốn thế. Cho đến khi tớ không thể nghe thấy, cũng không thể biết tiếng đàn đang ở đâu trong mọi ngóc ngách con người mình.

Tôi muốn hỏi An có phải cô muốn nói rằng chúng ta dù ít hay nhiều đều đang gánh trên vai số phận của cha mẹ hay không. Nhưng tôi chỉ thấy người lớn thật tồi. Người lớn luôn tồi, hay ta sẽ tồi khi trở thành người lớn? Tôi không biết. Tôi nghĩ về chốn mơ hồ xa lạ và cuộc chia tay dai dẳng của hai người lớn đã vắt kiệt tôi trong hình hài một miếng giẻ lau chưa bao giờ thôi than khóc. Họ nghĩ họ xây dựng xã hội, cứu thế giới và trở thành anh hùng. Vậy mà tất cả những gì họ có thể làm là nhúng một đứa trẻ vào cái bóng tối đầy lỗi lầm đen kịt của họ, khiến chúng tin rằng chúng mới là kẻ có lỗi và phải bị trừng phạt vì có lỗi. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ thôi. Cả tôi, cả An nữa. Vậy mà tuổi hoa niên của chúng tôi đã trôi đi mất, đâu đó trong hàng triệu những con sông chảy lạc dòng.

Máy phát nhạc đang chơi bản Ballade No. 1 in G minor, Op. 23 của Chopin. Tôi nhìn An, những ngón tay cô khẽ khàng run rẩy như thể đang dè dặt hứng lấy từng giọt âm rơi xuống. Cậu vẫn nghe được tiếng đàn, phải không. Tôi hỏi. Tay An ngừng lại giữa không trung. Cậu không ghét chơi đàn, đúng chứ. Cô vẫn im lặng. Cậu chỉ đang chạy trốn mà thôi. Lời tôi vỡ ra thành bọt bóng và hóa thành một cơn mưa với những hạt mưa dài nhọn hoắt, đâm xiên chéo vào cõi lòng bị giấu kín. Tôi tháo giày, để mặc cho nước làm ướt đôi bàn chân bấy lâu tấy đỏ. Mà không ai hay biết. Rõ ràng, chúng tôi đã chẳng thể làm gì để chống lại dòng sông đã đổ lên tuổi trẻ của mình từ tuổi trẻ của một người khác. Nhưng chúng tôi có thể khóc. Có thể buồn bã. Có thể đớn đau. Tớ sợ lắm, K. An níu vạt áo tôi. Nocturne Op.62 no. 1 in B major là vết cắt tớ không tìm cách chữa lành. Hay không thể chữa lành, dù có là cách nào đi chăng nữa. Cái chết là căn bệnh duy nhất chúng ta không tìm cách cứu chữa. Nocturne Op.62 no. 1 in B major là một căn bệnh như vậy. Nó cũng là cái chết của bố. Và là nỗi trầm kha tớ đã đeo mang. Làm sao tớ hoàn thành nó? Trái tim bố tớ đã để lại ở trong nó rồi. Tớ sợ lắm, K. Tai họa lớn nhất đã giáng xuống đầu tớ. Đó là ký ức. Tôi nghĩ rất lâu về âm thanh bên trong tôi và hoài nghi liệu nó có phải là một tiếng đàn đẹp đẽ. Tôi lau đi dòng sông đã từ nỗi đau của An mà chảy, ước gì mình cũng không có ký ức. Nếu như mà tôi được lựa chọn. Khi đó, sẽ chẳng bao giờ quá khứ có cớ để gợi nhắc tôi về những đám cháy thầm lặng trong ngôi nhà không khác gì biệt giam trắng, khoảnh khắc bố bỏ ra đi, hay cảnh mẹ đã khóc trong lúc gội đầu. Nhưng trí nhớ của tôi không hề bị thủng. Nên tôi buộc phải bao dung mà vỗ về nó, bao dung mà ôm ấp nó, bao dung mà vun đắp nó, ghi dấu tất cả bằng nỗi đau buồn. Cậu biết không An, con người vội vã tiến nhanh vào tương lai là bởi vì không ai tin vào lẽ tự nhiên đang xảy ra trong bản thân họ1. Thời gian thì sẽ luôn luôn là như thế, không vì nỗi đau buồn của ai mà dừng lại. Đó là quy luật của sự sống. Cũng là quy luật của sự chết. Cậu chỉ cần bước chậm một chút thôi. Tớ nghĩ là cậu biết, trái tim cậu cũng đã để lại nơi đó. Tiếng đàn chưa bao giờ mất đi. Nó ở bên trong cậu. Nó là một phần của cậu. Cậu cũng thế, K. An miết nhẹ vào lòng bàn tay tôi. Cậu cũng có tiếng đàn. Và sự cô độc trên những dòng sông. Tớ biết, đó là dạ khúc của cả hai đứa mình. Đó là âm điệu của cả hai đứa mình. Dòng sông cậu muốn được khóc. K, cậu có muốn khóc không?

Ở chốn nhân gian không thể hiểu2. Tôi nghĩ về chúng tôi. Về nhiều sự thật phi lý.

Sự hoang vắng trong linh hồn những bước chân lạnh lẽo của mọi người lớn tồi tệ cuối cùng đã chảy xuống thành dòng.

5.

Rồi thì An cũng biến mất. Cùng với Nocturne Op.62 no. 1 in B major ở cửa sổ tầng hai. Có lẽ cô bị phát hiện rồi bị ép vào quản thúc. Thời hạn chỉ còn mười sáu ngày. Nhưng tôi không hỏi. Tôi hiểu tiếng đàn đã được phục sinh. Ở một nơi nào đó. Không cần thiết phải là ở chốn này. Một buổi tối tôi về nhà, nghe lặng im bên ngoài khép cửa. Tôi đã ngồi rất lâu trong đêm, cố ngăn mình làm phép đếm. Không phép đếm, tôi không có kết quả gì. Tôi vò nát một sự nhàu nhĩ. Ngã tư không có cột đèn. Rẽ trái. Hay rẽ phải. Tự nhiên tôi đầy mưa trong mắt. Tự nhiên gối tôi rách, chân tôi gãy gập, vai tôi sờn. Buổi tối tôi dừng lại trước ngã tư. Không phép đếm. Không cột đèn. Không ngày mai. Không cả giấc mơ nào cũ kỹ. Rồi tôi hiểu, có những điều tôi không thể chối bỏ. Những người lớn quả thật tồi tệ. Nhưng họ là những người lớn tồi tệ của tôi. Tha thứ chưa bao giờ là một sự lựa chọn. Tôi không cách nào ước chúng tôi sẽ có thêm mười nghìn năm không bị quên lãng, hay ước có nhiều hơn những mùa hè. Không có mười nghìn năm hay mùa hè nào cả. Đã đến lúc tôi cần bỏ lại khúc sông của cha mẹ để rẽ nhánh xuôi theo khúc sông đời mình. Đêm đó, tôi mở cửa vào phòng trong lúc mẹ đã ngủ, kín đáo hôn lên tóc bà và nói rằng tôi đã rất buồn, nhưng tôi tha thứ. Tôi không chắc mẹ đã mơ thấy điều gì. Tôi không thể hiểu tường tận giấc mơ của mẹ. Hay của cả bố, dĩ nhiên. Nhưng người ta không bao giờ cần phải hiểu. Đồng cảm đã đủ để mang hàm nghĩa yêu thương rồi.

Tôi đi học trở lại. Thi thoảng vẫn nhẩm Étude Op. 25, No. 11 bằng suy nghĩ. Và nhớ An. Tôi nhận ra tôi nhớ cô nhiều như thể ký ức tôi đã sống lại sau khi được cô lau chùi và thay mới, kể từ lần cuối cùng đó. Nhưng tôi vẫn không hỏi gì. Với tất cả sự bình tĩnh, tôi tin rằng chưa bao giờ là kết thúc giữa hai chúng tôi, và tiếng đàn vẫn ngân vang, ở đâu đó, tại một thời điểm nào đó, trong một dòng sông nào đó, trên đời. Không cần lời nói. Mọi lời nói đều ủy mị và yếu đuối. Không thể diễn tả cảm giác của một con người. Chỉ có tiếng đàn, những Étude, Ballade, Prelude, Sonata. Và những cơn mưa. Những cái nắm tay chỉ bằng im lặng. Những dòng sông. Những đôi bàn chân ướt. Không thể chối bỏ. Mười bảy tuổi, chúng tôi không làm sao chối bỏ.

Những nỗi đau rất đỗi dịu dàng.

 

__________

1Tự thuật của đạo diễn A.A.Tarkovsky

2Thơ của Du Tử Lê

 

 

 

Gửi bình luận